Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Phòng ngừa bệnh giang mai trong thời gian mang thai

Phòng ngừa bệnh giang mai trong thời gian mang thai
 Biểu hiện đặc trưng của bệnh giang mai là săng và hạch. Săng là vết loét tròn hay bầu dục, đường kính từ 0,5-2cm, giới hạn rõ đều đặn, thường không có bờ, đáy sạch, trơn, bóng láng, màu đỏ như thịt tươi, bóp không đau, vị trí thường ở cổ tử cung, âm đạo, môi lớn - môi bé, có thể có ở ngoài cơ quan sinh dục như ở hậu môn, trực tràng, miệng môi, lưỡi, amydal, vú. Hạch là triệu chứng quan trọng để chẩn đoán, xuất hiện ở vùng tương ứng với săng, là những hạch cứng, không đau, không viêm, có nhiều hạch nhưng trong đó có một hạch to hơn cả.

Nguy hiểm cho thai nhi nếu không chữa kịp

  Với giang mai ở phụ nữ mang thai thường không khác gì ở người bình thường, tuy nhiên người ta thấy săng ở phụ nữ mang thai thường khu trú ở môi bé và có kích thước lớn hơn người bình thường, nếu điều trị không kịp thời xoắn khuẩn sẽ xuyên qua màng nhau rồi gây bệnh cho thai nhi và gọi là giang mai bẩm sinh, khi ra đời thai nhi giống như “ông già”, nhẹ cân, bánh nhau phì đại, có bóng nước to ở lòng bàn tay, tổng trạng yếu, gan lách to thường tử vong sau vài ngày.
Phát hiện càng sớm càng tốt
  Tính chất của bệnh hết sức nghiêm trọng, do đó việc phát hiện càng sớm càng tốt là rất cần thiết, mục đích để điều trị cho người mẹ trước khi thai nhi nhiễm bệnh. Muốn vậy cần xét nghiệm máu ngay từ những tháng đầu của thai kỳ.
Có thể phòng ngừa?
 Trước đây người ta thường nói đến phòng bệnh cho cá nhân bằng xà phòng, mở calomel, mở Pénicilline… nhưng thực ra không có phương pháp nào là chắc chắn khi quan hệ với người mắc bệnh giang mai. Dùng thuốc ngay trong những giờ đầu sau khi giao hợp cũng là muộn vì xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập qua các xây xát vi thể, rồi xâm nhập đi theo đường bạch huyết vào các hạch rất nhanh.
 Dùng bao cao su che chắn dương vật có thể ngăn chặn được phần nào nhưng vẫn là phương tiện không đảm bảo, do xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập qua điểm tiếp xúc khác không được che chắn.
  Có thể ứng dụng trị liệu dự phòng khi tiếp xúc với người mắc bệnh giang mai, Benzathine Pénicilline tan trong dầu tiêm bắp một liều duy nhất 2,4 triệu đơn vị có hiệu lực 2-3 tuần, hoặc Procaine Pénicilline Aluminum Monostéarate (PAM) tiêm bắp liều duy nhất 600.000 đơn vị, có hiệu lực phòng bệnh trong 5-6 ngày.
  Tóm lại, giang mai trong thai kỳ sẽ để lại cho thai nhi nhiều biến chứng hết sức nghiêm trọng, nên việc chẩn đoán sớm và điều trị  kịp thời là hết sức cần thiết. Muốn vậy thai phụ cần được khám thai định kỳ, nhất là những tháng đầu của thai kỳ, trong đó có xét nghiệm tầm soát giang mai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét